Chương trình học Luyện Phát âm

Có một điều mà hầu hết người học phát âm tiếng Anh đều nhận thấy: có quá nhiều thứ bạn cần sẽ phải thành thạo nếu muốn phát âm tiếng Anh chuẩn. Từ 44 âm cơ bản trong bảng phiên âm quốc tế IPA đến hàng trăm cụm âm phát âm khó khác, các hiện tượng ngữ âm từ cơ bản đến nâng cao: trọng âm, nuốt âm, nối âm,… Bạn phải chăm chỉ luyện tập từng âm, từng từ rồi từng câu, chưa kể đến việc với số lượng âm lớn như vậy thì việc học được âm sau lại quên âm trước là một điều cực kỳ bình thường. Hiểu được điều này, Trung tâm Ngoại ngữ Đại học Nha Trang giới thiệu đến các bạn chương trình học phát âm tiếng Anh một cách hiệu quả nhất.
Phần 1: Luyện tập cơ miệng
Như bạn đã biết, cách đọc các âm tiết trong tiếng Anh không giống với tiếng Việt. Vì vậy lần đầu tiếp xúc với các âm tiếng Anh, bạn sẽ không biết làm sao phát âm cho đúng, đó là lý do nhiều người bị hụt hơi, phát âm cứng nhắc và khó nghe khi nói tiếng Anh. Một số bài tập bạn có thể tham khảo: bài tập cơ miệng, thổi hơi qua miệng, bài tập cơ lưỡi, bài tập lấy hơi từ bụng,…
Phần 2: Ngữ âm cơ bản
Như các bạn thấy bảng phiên âm Quốc tế IPA được chia thành 2 phần chính. Phần phía trên màu xám chính là Nguyên âm (vowels) gồm 2 phần nhỏ hơn: màu xám nhạt là Nguyên âm đơn (Monophthongs) và phần xám đậm là Nguyên âm đôi (Diphthongs). Phần bên dưới màu vàng là Phụ âm (consonants). Khi học bảng phiên âm Quốc tế IPA, chúng ta sẽ học lần lượt từ Nguyên âm đơn, Nguyên âm đôi đến Phụ âm.
Nguyên âm (vowel sounds)
Nguyên âm là những dao động của thanh quản hay những âm mà khi ta phát ra âm thì luồng khí đi từ thanh quản lên môi không bị cản trở. Nguyên âm có thể tự đứng riêng biệt hoặc đứng trước hoặc sau các phụ âm.
Nguyên âm bao gồm 12 nguyên âm đơn và 8 nguyên âm đôi.
Phụ âm (consonants)
Phụ âm là âm phát từ thanh quản qua miệng hay những âm khi phát ra thì luồng khí từ thanh quản lên môi bị cản trở, bị tắc ví dụ như lưỡi va chạm với môi, răng, 2 môi va chạm… trong quá trình phát âm. Phụ âm chỉ phát ra thành tiếng trong lời nói chỉ khi được phối hợp với nguyên âm.
Lưu ý:
Khi học 44 âm cơ bản này, hãy chắc chắn nắm vững được 8 âm này cốt lõi trong tiếng Anh: /iː/, /ɜː/, /ɑː/, /eɪ/, /dʒ/, /j/, /θ/, /l/. 8 âm này rất đặc biệt vì chúng xuất hiện trong 80% các từ tiếng Anh và là những âm khó nhất đối với người Việt Nam khi học tiếng Anh vì khẩu hình không giống với bất kỳ âm nào trong tiếng Việt.
Để phát âm những âm này, khẩu hình của bạn cần đặt ở vị trí tối đa và cơ miệng dãn tối đa. Do đó khi luyện tập những âm này, cơ miệng của bạn trở nên linh hoạt hơn. Vì vậy khi đã nắm được cách phát âm những âm này thì dễ dàng hơn nhiều trong việc học các âm còn lại và trong việc luyện ngữ âm, ngữ điệu.
Khi học các âm này, bạn nên học những âm tương tự nhau và có sự so sánh giữa chúng để nhận ra sự khác biệt. Bên cạnh đó, hãy kiên trì luyện tập mỗi ngày và thực hành thật nhiều. Để tránh gây cảm giác nhàm chán khi học, bạn có thể đa dạng hóa các hình thức học mỗi ngày: luyện tập theo video các video hướng dẫn phát âm, ghi âm lại giọng của mình và so sánh, học cùng bạn bè, kết hợp phương pháp học phát âm và ghi nhớ từ vựng hiệu quả bằng âm nhạc, phim ảnh,…Ngoài ra còn có một điều vô cùng quan trọng: đừng bao giờ đồng hóa âm tiếng Anh. Cố gắng tìm ra cách đọc tương đương trong tiếng Việt, hãy luyện nghe các âm thật chuẩn, nhận diện, định vị khẩu hình miệng và bắt trước cho đến khi giống y hệt.
Phần 3: Học các hiện tượng ngữ âm
Trọng âm trong tiếng Anh
Trọng âm của từ
Tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm tiết, trong một từ có 2 âm tiết trở lên, sẽ luôn có một âm tiết phát âm khác biệt hẳn so với những âm tiết còn lại của từ về độ dài, độ lớn và độ cao khi đọc. Âm tiết được phát âm to hơn, giọng cao hơn và kéo dài hơn các âm khác thì âm tiết đó được nhấn trọng âm, nói cách khác, trọng âm rơi vào âm tiết đó. Nhìn vào phiên âm của một từ, trọng âm của từ đó được ký hiệu bằng dấu (‘) ở phía trước, bên trên âm tiết được nhấn trọng âm.
Ví dụ:
Với từ Happy /ˈhæpi/ trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất
Với từ Arrange /əˈreɪndʒ/ trọng âm rơi vào âm tiết thứ hai
Với từ Engineer /ˌendʒɪˈnɪr/ có hai trọng âm: trọng âm chính rơi vào âm tiết thứ ba /nir/ và trọng âm phụ rơi vào âm tiết thứ nhất /en/
Trọng âm của từ đóng vai trò quan trọng trong việc phân biệt từ này với từ khác khi chúng ta nghe và nói tiếng Anh. Khi đặt trọng âm sai âm tiết hay không sử dụng trọng âm rất có thể sẽ dẫn đến nhầm lẫn.
Ví dụ: desert có hai cách nhấn trọng âm.
Trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất/ˈdezərt/ là danh từ, nghĩa là sa mạc.
Khi nhấn trọng âm ở âm tiết thứ hai /dɪˈzɜrt/ thì đó là động từ, có nghĩa là bỏ rơi.
Trong tiếng Anh, một số từ được viết giống nhau nhưng lại nhấn trọng âm ở vị trí khác nhau tùy theo từ loại. Vì vậy cần nắm được trọng âm của từ mới có thể phân biệt được các từ trong giao tiếp.
Trọng âm của câu
Giống như trong tiếng Việt khi muốn nhấn mạnh về một điều gì đó, ta sẽ nói to và chậm hơn từ mang nội dung nhấn mạnh. Trong tiếng Anh cũng vậy, trọng âm trong câu cũng như cách mà họ đánh trọng âm vào cùng một từ thể hiện cái người nói muốn nhấn mạnh, thậm chí làm thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của câu nói. Ngoài ra, trọng âm của câu còn tạo ra giai điệu, hay tiếng nhạc cho ngôn ngữ, đó chính là âm điệu, tạo nên sự thay đổi trong tốc độ đọc tiếng Anh.
Ví dụ:
I love you (Tôi chứ không phải ai khác yêu bạn)
I love you (Tôi yêu bạn, chứ không đơn giản là thích)
I love you (Người tôi yêu là bạn, chứ không phải ai khác)
Trong một câu, chúng ta thường chia các từ làm hai loại: từ thuộc về mặt nội dung (content words) và từ thuộc về mặt cấu trúc (structure words). Trọng âm thường được nhấn vào các từ thuộc về nội dung, vì ý nghĩa của câu được thể hiện nhiều qua các từ này.
Nối âm trong tiếng Anh
Trường hợp 1: Phụ âm đứng trước nguyên âm
Về nguyên tắc, khi có một phụ âm đứng trước một nguyên âm, chúng ta đọc nối phụ âm với nguyên âm. Ví dụ “make up”, bạn đọc liền chứ không tách rời 2 từ: /‘meikʌp/.
Tuy nhiên, điều này hề không phải dễ và đòi hỏi phải luyện tập nhiều, nhất là đối với những từ tận cùng bằng nguyên âm không được phát âm, ví dụ: “have (it)” đọc là /hævit/.
Hoặc đối với những cụm từ viết tắt, ví dụ như “LA” (Los Angeles) phải đọc là /el lei/; “MA” (Master of Arts) phải đọc là /em mei/…
Trường hợp 2: Nguyên âm đứng trước nguyên âm
Về nguyên tắc, khi gặp 2 nguyên âm đứng cạnh nhau, bạn cần thêm một phụ âm vào giữa 2 nguyên âm để nối. Có thể thêm phụ âm theo 2 nguyên tắc sau:
– Đối với nguyên âm tròn môi(khi phát âm những âm này, môi nhìn giống hình chữ “o”, ví dụ:“ou”, “u”, “au”,…) bạn cần thêm phụ âm “w” vào giữa. Ví dụ “do it” sẽ được đọc thành /du: wit/.
– Đối với nguyên âm dài môi (khi phát âm âm này, môi kéo dài sang 2 bên) ví dụ: “e”, “i”, “ei”,… bạn thêm phụ âm “y” vào giữa. Ví dụ: “I ask” sẽ được phát âm thành /ai ya:sk/.
Thực hành đọc: USA /ju wes sei/, VOA /vi you wei/, XO /eks sou/,…
Trường hợp 3: Phụ âm đứng trước phụ âm
Về nguyên tắc, khi có 2 hay nhiều hơn phụ âm cùng một nhóm đứng gần nhau, bạn chỉ đọc duy nhất 1 phụ âm.
Ví dụ “want to” (có 3 phụ âm n, t và t cùng thuộc nhóm phụ âm sau răng đứng gần nhau) sẽ được đọc là /won nə/.
Ngoài các trường hợp trên còn rất nhiều các trường hợp đặc biệt khác bạn sẽ bắt gặp trong quá trình học tiếng Anh. Nhiều trường hợp không có quy tắc, để nhớ được người học phải luyện tập nhiều để hình thành phản xạ trong cách nói.
Ngữ điệu trong tiếng Anh
Để có giọng tiếng Anh hay, giống người bản xứ và không bị “giọng địa phương” khi nói tiếng Anh thì ngữ điệu là một phần vô cùng quan trọng. Ngữ điệu là sự lên và xuống giọng khi nói, diễn đạt ý của câu và cảm xúc của người nói. Dưới đây là một số quy tắc ngữ điệu thường gặp.
Quy tắc 1: Đối với câu trần thuật, thường sẽ xuống giọng ở cuối câu
Ví dụ: I am a student
Quy tắc 2: Đối với các câu hỏi Wh (what, where, when, why, whose, whom, who) và How, người đọc xuống giọng ở cuối câu
Ví dụ: What is your name?
Quy tắc 3: Đối với câu hỏi Yes/ No, chúng ta lên giọng ở cuối câu
Ví dụ: Do you know where he is?
Quy tắc 4: Đối với câu liệt kê lên giọng sau mỗi dấu “,” và trước từ “and”, xuống giọng ở cuối câu
Ví dụ: I like watching TV, playing computer game and listening to music at weekend.
Quy tắc 5: Đối với câu hỏi lựa chọn, xuống giọng ở cuối câu
Ví dụ: What do you want to drink, tea or coffee?
Quy tắc 6: Đối với câu hỏi đuôi:
Xuống giọng ở cuối câu khi người nói chắc chắn điều mình nói và mong đợi nhận được sự đồng ý
Ví dụ: She is so pretty, isn’t she? (xuống giọng ở “pretty”, “she”)
Xuống giọng ở cuối câu khi người nói muốn xác định lại điều mình hỏi là đúng hay không
Ví dụ: You know him, don’t you? (xuống giọng ở “him”, lên giọng ở “you”)
Quy tắc 7: Đối với câu cảm thán, xuống giọng ở cuối câu
Ex: Omg, what a beautiful dress you have!
Thông qua Chương trình học Phát âm tiếng Anh trên đây, Trung tâm Ngoại ngữ trường Đại học Nha Trang mong rằng có thể giúp các bạn có thể xây dựng một kế hoạch học Phát âm đúng đắn, cải thiện khả năng nói tiếng Anh mỗi ngày. Ngoài ra, các bạn có thể đăng ký khóa học Phát âm tại Trung tâm để được giảng viên hướng dẫn những cách phát âm sao cho thật “xịn sò” như người bản xứ các bạn nhé!